Với công nghệ biến rác thải thành điện năng ít gây hại tới môi trường và quy mô mang tầm vóc quốc tế, Nhà máy Xử lý rác thải Warsan được hy vọng sẽ đáp ứng 75% nhu cầu điện từ năng lượng sạch đến năm 2050.
Thật khó có thể tin nổi rác thải như vỏ hộp hay đồ chơi cũ lại có thể tái chế trở thành điện năng phục vụ đời sống. Tuy nhiên, ở Dubai, Ả Rập, công nghệ này đang giúp tiêu hủy gần một nửa lượng rác và nhanh chóng biến chúng trở thành điện năng phục vụ cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Đó là quy trình tại Nhà máy Xử lý Rác thải Warsan do Công ty Quản lý Rác thải Dubai (Dubai Waste Management Company – DWMC) trực thuộc Dubai Holding điều hành. Mặc dù công nghệ xử lý rác thải này đã phổ biến tại các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, quy mô tại nhà máy Warsan đã tạo nên sự khác biệt nhờ quy mô khổng lồ. Nhờ đó, tham vọng lớn hơn của DWMC là biến Dubai trở thành trung tâm kinh tế xanh và năng lượng sạch của toàn cầu vào năm 2050.
Nhà máy xử lý rác thành điện lớn nhất thế giới
Ông Tim Clarke, Giám đốc Điều hành của DWMC cho biết, khoảng 45% lượng rác thải của Dubai sẽ đổ hết về nhà máy Warsan. Theo đó, nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2024.
Mỗi ngày, nhà máy Warsan đều tiếp nhận 5,5 nghìn tấn rác. Theo ước tính, nhà máy Warsan sẽ tiêu hủy khoảng 2 triệu tấn rác mỗi năm để sản xuất ra điện năng đủ cho 135 nghìn hộ gia đình, tương đương với 200 megawatt giờ. Đây là nhà máy xử lý rác thành điện năng lớn nhất thế giới hiện nay, ông Clarke cho biết thêm.
Với quy mô cực lớn, nhà máy Warsan có thể sản xuất 34% sản lượng điện năng. So với tính chất của một nhà máy xử lý chất thải năng lượng, sản lượng này được đánh giá là rất cao. Được biết do quy mô lớn nên nhà máy Warsan có thể vận hành ở nhiệt độ và áp suất cao hơn. Theo Ủy ban Môi trường Liên hợp Quốc (United Nations Environment Programme – UNEP), khoảng 13% lượng rác thải đô thị trên khắp thế giới sẽ được áp dụng công nghệ xử lý rác thành điện năng trong tương lai.
Cơ chế vận hành của công nghệ biến rác thành điện
Quy trình xử lý rác thành điện năng bao gồm 3 bước: đốt rác; sử dụng nhiệt tạo ra hơi nước và dùng hơi nước làm quay tua-bin tạo ra điện năng. Trên thực tế, công nghệ xử lý biến rác thành điện năng đã có mặt hơn 100 năm nay nhưng các nhà máy cũ vẫn chưa kiểm soát được lượng khí thải xả ra khi đốt rác. Hiện nay, tại nhà máy Warsan, công nghệ mới đã được cập nhật hiện đại hơn giúp lọc được các khí thải độc hại không bay vào khí quyển.
Các nhà nghiên cứu tại Nhà máy Warsan đã bơm thuốc thử vào lò đốt rác để loại bỏ và lưu giữ các nguyên tố độc hại như kim loại nặng, lưu huỳnh… sau đó mới đem đi xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình đốt rác, không phải tất cả các khí thải đều có thể xử lý được. Quy trình đốt rác vẫn thải ra khí carbon. So với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng, kết quả tổng quan của Nhà máy Warsan vẫn được đánh giá là khả quan vì có thể tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ tấn khí thải carbon mỗi năm.
Những thách thức còn tồn tại
Như đã biết, bãi chôn lấp rác đang là thách thức lớn với vấn đề khí hậu Trái đất khi chúng đóng góp tới 11% lượng khí thải metan trên phạm vi toàn cầu. Chính vì thế, sự ra đời của những nhà máy xử lý rác thải năng lượng đã trở thành phương án thay thế cho những bãi chôn lấp rác ô nhiễm.
Ông Bryan Staley, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Giáo dục và Nghiên cứu Môi trường của Mỹ đánh giá công nghệ đốt rác thành điện năng là một giải pháp có thể tạo ra ít khí thải hơn so với bãi chôn lấp rác. Ngược lại, với các nhóm bảo vệ môi trường, công nghệ này lại có thể cản trở nỗ lực cắt giảm rác thải và sáng kiến tái chế.
Hiện tại nhà máy Warsan cũng bổ sung thêm công nghệ để tối đa hóa khai thác tài nguyên. Kim loại tách được sau khi đốt rác sẽ được tái chế. Tro sau khi đốt cũng được thu gom lại và tái chế trong xây dựng cầu đường. Trong số 5,5 nghìn tấn rác thải mỗi ngày, chỉ có 200 tấn cặn không thể tái sử dụng sau khi đốt rác và xử lý.
Theo: CNN