Tác giả Andrea Miller gần đây đã chia sẻ trên tờ Lion’s Roar buổi trò chuyện với người đầu bếp ăn chay và nấu chay Jean-Philippe Cyr – thường được gọi là “đầu bếp Phật tử” về nuôi dưỡng lòng từ bi cho mỗi người và các loài động vật.
Bếp trưởng người Canada gốc Pháp Jean-Philippe Cyr (ảnh) ban đầu được đào tạo để chuyên nấu mặn. Sau khi tham gia và nấu ăn cho một khóa tu thiền, anh đã bắt đầu suy nghĩ về nhu cầu ăn thịt của con người và sự chết chóc, đau đớn của các loài động vật khi trở thành thực phẩm. Không lâu sau đó, Cyr được đặt nấu một buổi tiệc thịt cừu cho 400 người tại một đám tang và đó là “phi vụ” cuối cùng của anh. Anh bỏ việc ở nhà hàng và trở thành “đầu bếp Phật tử”, ăn chay và bắt đầu hướng dẫn mọi người cách nấu đồ ăn chay.
Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi
Trả lời câu hỏi của tác giả Andrea Miller trong ngày Ăn chay Quốc gia, Cyr cho biết “tất cả là vì lòng từ bi”. Đức Phật đã được sống trong “sự bảo hộ” – hoàng tộc không muốn Ngài nhìn thấy sự khổ đau bên ngoài những cổng thành. Đây là điểm tương đồng với xã hội của chúng ta. Chúng ta không nhận ra rằng các loài động vật cũng chịu khổ đau sau những bức tường ấy – và khi bạn lan tỏa những hình ảnh trong lò giết mổ qua internet, cộng đồng không thể vô cảm khi xem chúng. Mọi người ai cũng chống lại tội ác với động vật nhưng không chủ động có động thái dừng việc đó lại.
Khổ đau của động vật là gì? – Gà có khổ đau không khi bị nhốt trong chuồng? Cho thú cưng như chó, mèo vào chuồng tức chúng ta đang giam cầm chúng. Vì thế, ngừng nấu mặn và hãy ăn chay là vì lòng từ bi. Điều tôi học được khi tham gia khóa tu thiền Phật giáo là: Không tham gia vào việc mang khổ đau đến cho các loài thì chúng ta mới có một chế độ ăn khỏe mạnh.
Sự thực hành Phật giáo của người đầu bếp chay
Tôi thực hành thiền Tứ niệm xứ mỗi ngày. Mỗi buổi sáng tôi cố gắng tập trung vào hơi thở của mình. Tôi thấy nhiều thứ bật lên trong đầu một cách vô thức sau thời gian dài thiền tập. Tôi cũng nhìn thấy điều này từ những người hành thiền khác trong các khóa tu. Mọi người trở nên lắng dịu và bình tĩnh hơn khi hành thiền.
Tôi cố gắng sống theo những giá trị của Phật giáo – chính là không tạo ra khổ đau dưới bất cứ hình thức nào hay bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải có lòng từ bi, thậm chí lòng từ bi cho người thợ săn, bởi chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi về tư tưởng bằng sự phân chia thái cực, qua cách nghĩ: “Tôi đối lập với họ. Chúng ta tốt đẹp, còn họ thì xấu xa”. Tôi từng ăn rất nhiều thịt, vì thế tôi không phán xét người khác. Tôi nỗ lực thực thành tâm từ (metta) cho các loài động vật và cho mọi người.
Nấu nướng và ăn uống cũng là sự thực hành tâm linh
Cyr luôn xem nấu ăn là sự thực hành tâm linh của mình. Vì đó là sự thực hành chánh niệm. Nếu không chánh niệm, bạn sẽ làm cháy khét chiếc bánh của mình. Bạn phải cảm nhận được sức nóng, phải nấu nướng bằng đôi mắt và cái mũi của mình. Mọi người đều có cách nấu nướng khác nhau; như vợ tôi thì luôn quan tâm đến thị giác: “Anh phải cho thêm nước xốt vì màu chưa đẹp mắt lắm”. Bạn phải cảm nhận thức ăn. Bạn phải luôn “hiện diện”. Bằng không, mọi thứ sẽ không có kết quả tốt đẹp. Khi cái bánh sẵn sàng, nó sẽ “nói cho bạn biết” điều đó chỉ bằng mùi thơm.
Trong khóa tu, không ăn gì từ trưa hôm trước cho đến sáng hôm sau – đó là một sự thực hành tốt. Cảm giác đói giúp bạn nhận ra rằng thức ăn quan trọng. Bạn phải tôn trọng thức ăn và phải biết ơn vì thức ăn bạn có được. Trong hiện tại, dường như không nhiều người có sự chánh niệm này. Tôi thấy nhiều người ngồi trong các cửa hàng McDonald chưa tới 10 phút cho một bữa ăn của mình.
Dạy nấu món chay để giúp người khác giảm ăn thịt
Mọi người đều muốn giảm ăn thịt nhưng thường không biết bắt đầu từ đâu. Họ nghĩ nếu loại bỏ thịt cá thì chỉ còn khoai tây, cà-rốt trên đĩa mà thôi. Vì thế, tôi hướng dẫn mọi người cách nấu các món chay.
Một số người viết thư cho tôi: “Tôi đã giảm ăn thịt cá. Hôm qua chúng tôi ăn miếng gà nhỏ hơn một chút.” Là người ăn chay, bạn sẽ nghĩ đây là điều gàn dở, nhưng với đa số mọi người, mỗi bước đi đúng hướng đều là một bước tiến tốt đẹp. Mỗi người ai cũng có lý do riêng để hạn chế thịt cá; có người vì sức khỏe, có người vì môi trường,… Điều thúc đẩy tôi ăn chay chính là cảm nhận được sự khổ đau của động vật khi phải bị giết chết để đáp ứng thực phẩm cho con người. Ăn chay vì lý do gì đi nữa cũng đều tốt cả – anh nhấn mạnh.
Nấu ăn cho khóa tu là việc khó làm
Thử thách lớn của tôi khi tham gia nấu ăn cho các khóa tu Phật giáo là làm việc với các đầu bếp chưa có nhiều kinh nghiệm khi phải phục vụ cho hàng trăm người. Vấn đề không nằm ở chỗ ngại người khác chê bai thức ăn quá loãng hay quá mặn,… mà điều bạn cần học và hành chính là lòng từ bi.
Tại trung tâm thiền, bạn phải nhận thức được rằng mình đang ở đâu và tại sao mọi người có mặt ở đó. Nếu bạn là người tính khí nóng nảy thì đây không phải là nơi phù hợp. Ở một trung tâm thiền, mọi người phải cùng làm việc với nhau như một đội. Bạn sẽ học được nhiều điều về chính bản thân mình. Đó thật sự là nơi tôi kiểm tra công thức nấu ăn từ sách vở; mọi người không thể phàn nàn, vì quy định tịnh khẩu, nhưng chỉ cần nhìn vào đĩa thức ăn, bạn sẽ cảm nhận được người tham gia khóa tu sẽ thích nó.
Nguồn:https://giacngo.vn/nguoi-dau-bep-an-chay-thong-diep-long-tu-bi-post47030.html