The LEADERVMEAT là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công ra sản phẩm thịt thực vật hướng tới các doanh nghiệp F&B, nhất là các chuỗi nhà hàng chay.
Dương Hoàng Nhã Trúc và Đoàn Lê Huy – 2 nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề mang đến Shark Tank sản phẩm Thịt thực vật VMEAT do công ty sản xuất và kêu gọi 4 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.
Theo Nhà sáng lập, VMEAT là sản phẩm được chị nghiên cứu hơn 2 năm, 100% được làm từ thực vật, “có giá trị dinh dưỡng tương tự như thịt động vật, có độ béo, độ dai, độ ẩm ướt, loại bỏ được mùi vị của đạm thực vật mà các dòng sản phẩm chay truyền thống khác chưa làm được”.
Chị Nhã Trúc cũng cho biết, đối tượng khách hàng của chị bao gồm: những người đang tìm kiếm nguồn đạm thay thế cho đạm động vật; những người đang có bệnh và muốn phòng bệnh vẫn muốn duy trì bữa ăn phong phú đa dạng như hàng ngày; những người có lối sống xanh, muốn bảo vệ môi trường và những người ăn chay vì tôn giáo.
“Lần đầu tiên em cầm sản phẩm thịt thực vật trên tay, cảm giác em giống như vỡ òa vì mình chính là một đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công ra sản phẩm này và em tin chắc rằng thịt thực vật sẽ là giải pháp thực phẩm cho tương lai. VMEAT sẽ có một chỗ đứng, một thị phần đáng kể trong thị trường tiềm năng này” – chị Nhã Trúc hào hứng chia sẻ.
Lúc này, Shark Liên liền hỏi nhà sáng lập về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nơi nhập nguyên liệu và khả năng cung cấp để đảm bảo sản xuất đồng loạt. Trả lời Shark Liên, chị Nhã Trúc cho biết, sản phẩm đã được công bố, đã phân tích về thành phần dinh dưỡng, phân tích vi sinh đầy đủ và đã có giấy phép.
Nguyên liệu của sản phẩm được nhập khẩu hơn 90% từ các nước như Mỹ, Canada, Châu Âu, một số ít nhập ở Châu Á như Thái Lan, Malaysia. Thành phần chính của sản phẩm là đạm đậu nành và đạm lấy từ các loại hạt.
Câu trả lời của chị Nhã Trúc khiến Shark Bình thắc mắc vì sao phải nhập nguyên liệu mà không sản xuất bằng nguyên liệu của Việt Nam. Tuy nhiên, chị Nhã Trúc tiết lộ, nguyên liệu Việt Nam đang có hai vấn đề, một là chất lượng, hai là giá cả chưa cạnh tranh. “Kể cả nguyên liệu thô là hạt đậu nành thì đã hơn gấp đôi nhập khẩu từ Mỹ và Canada” – chị Nhã Trúc nói.
Shark Phú cũng hỏi thêm về doanh số, khả năng bán hàng và bức tranh tài chính hiện nay. Là người nắm rõ con số tài chính nhất, anh Lê Huy trả lời, hiện bức tranh tài chính của công ty chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn từ lúc thành lập cho đến đầu năm 2021 kinh doanh những sản phẩm chay truyền thống, doanh số 2019 là 1,4 tỷ đồng và năm 2020 là 400 triệu đồng; còn VMEAT thì vừa nghiên cứu và công bố xong, đang trong giai đoạn khảo sát thị trường vì vậy chưa có doanh thu và lợi nhuận.
Vốn điều lệ của công ty là 4,4 tỷ đồng. Vốn thực góp là 3 tỷ đồng. Lỗ tích lũy gần bằng 0. “Thị phần nhiều nhất là F&B, bán cho một nhà hàng chay (khoảng 70%). Năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên cũng ảnh hưởng đến thị phần” – anh Lê Huy nói.
Đại diện startup cũng tiết lộ, mình cũng đang có chuỗi nhà hàng với thương hiệu hủ tiếu chay Cây Đề đã hoạt động gần 10 năm ở TP. Hồ Chí Minh, có 3 chi nhánh là sở hữu riêng và 1 chi nhánh nhượng quyền. Vì nhà hàng đã hoạt động ổn định nên hai nhà sáng lập tập trung hơn 50% vào công ty sản xuất.
Việc startup sở hữu 2 công ty khiến nhà đầu tư e ngại nên Shark Phú hỏi thêm về bức tranh tài chính của công ty F&B. Tuy nhiên, anh Lê Huy xin phép không chia sẻ vì không kêu gọi đầu tư cho mảng này. Shark Phú và Shark Hưng không đồng tình với câu trả lời của nhà đồng sáng lập, cho rằng vì đây là khách hàng nội bộ nên sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chuyển giá. Anh Lê Huy cam kết, nếu có đối tác và chuyển đổi thành công ty cổ phần thì anh sẽ minh bạch và rạch ròi với các nhà đầu tư.
Shark Louis hỏi thêm startup về lý do định giá công ty 16 tỷ đồng. Anh Lê Huy cho biết, công ty đã thành lập năm 2018, đầu tư khoảng 3 tỷ (vốn thực góp) để làm nhà xưởng (khoảng 100 m2), nhập thiết bị, công nghệ nghiên cứu. Anh Lê Huy cũng tiết lộ, nếu được đầu tư 4 tỷ, anh sẽ nâng cấp xưởng để đạt chuẩn cao hơn cho thực phẩm, đầu tư thiết bị để tăng công suất và đầu tư vào hoạt động Marketing & Sales để chiếm lĩnh thị trường.
Là nhà đầu tư có công ty thực phẩm, Shark Phú rất hiểu về việc kinh doanh và vận hành các công ty thuộc lĩnh vực này. Shark chia sẻ, để vào ngành thực phẩm và muốn nhân thành quy mô lớn thì vốn đầu tư phải rất lớn. “Một dây chuyền để sản xuất đạt volume (quy mô) lớn thì đầu tư phải hàng triệu USD. Anh rất e ngại vì mô hình của bọn em rất mới” – Shark Phú nói.
Chị Nhã Trúc liền đưa ra ví dụ, công ty Beyond Meat của Mỹ chỉ sản xuất thịt thực vật đã hoạt động được 10 năm. Họ chỉ sản xuất 5 loại thịt thực vật và đã rất thành công trên thị trường Mỹ. Shark Bình cũng tiết lộ, startup này có trị giá 6,6 tỷ USD. Shark Louis cũng đặt ra câu hỏi, với một công ty sản xuất thịt thực vật lớn như vậy, họ cũng đã nhắm đến thị trường Việt Nam thì VMEAT sẽ có định hướng cạnh tranh như thế nào.
Chị Nhã Trúc cho biết, mình đưa ra cái tên của một “ông lớn” sản xuất thịt thực vật để chứng minh tiềm năng của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, VMEAT có giá thành rất cạnh tranh khi giá dự kiến của VMEAT chỉ tầm 25% so với thịt thực vật nhập khẩu của Beyond Meat. Bên cạnh đó, VMEAT cũng có niềm tin sẽ chiếm lĩnh thị trường vì “là công ty nội địa, hiểu rất rõ khẩu vị của người tiêu dùng, làm ra sản phẩm phù hợp nhất với người tiêu dùng Việt Nam về giá trị dinh dưỡng”.
Với kinh nghiệm của mình, Shark Phú chia sẻ với startup, khó khăn và tốn kém nhất của ngành thực phẩm là giai đoạn đầu tiên khi đưa sản phẩm đến người dùng. “Để tiến tới quy mô lớn thì chiến lược đầu tư rất lớn cho dù đó là sản phẩm tốt. Em cần phải vượt qua ngưỡng đấy” – Shark Phú nói. Vì vậy, nhìn thấy mô hình của VMEAT còn sơ khai và chưa phù hợp với định hướng đầu tư của mình, Shark Phú từ chối đầu tư, “nhường cho các nhà đầu tư khác mạo hiểm hơn”.
Lúc này Shark Louis cũng chia sẻ băn khoăn của mình khi startup đang hoạt động theo cách quản trị gia đình. Shark cũng hỏi thêm startup về việc dự đoán tình hình doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm này vào năm sau.
Trả lời Shark Louis, anh Lê Huy cho biết, công ty đặt mục tiêu VMEAT sẽ đạt được doanh số 60 tỷ đồng/năm, sau khoảng từ 4-5 năm. “Ước tính size (quy mô) thị trường của thịt thực vật Việt Nam hiện tại là khoảng 1.000 tỷ. Em kỳ vọng chiếm 6-7% là có thể đạt con số doanh thu kỳ vọng. Với sự cộng hưởng của các Shark thì con số này có thể nhiều hơn” – anh Lê Huy giải thích. Hai đại diện startup cũng hứa sẽ hoàn toàn minh bạch trong việc điều hành công ty để bảo vệ nhà đầu tư
Shark Hưng lên tiếng phân tích, VMEAT là một sản phẩm mà phụ thuộc quá nhiều các yếu tố bên ngoài, từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống phân phối. “Tôi cảm thấy sự thành công của các bạn chưa rõ ràng”.
Vì vậy, Shark Hưng cũng rút khỏi deal này dù Shark biết rằng mô hình này đang là một xu hướng trên thế giới cũng như biết rõ sự thành công của một số startup tương tự trong lĩnh vực này.
Nhận định VMEAT là “sản phẩm hay, đúng trend và chắc chắn sẽ là tương lai”, nhưng lại là một startup “ra đời trước cách mạng” – tức là làm một sản phẩm quá sớm, Shark Bình cũng từ chối đầu tư. Shark cũng gửi tặng cho startup những lời khuyên chân thành từ chính kinh nghiệm, trải nghiệm của mình: việc đi sớm quá sẽ mất rất nhiều công để educate thị trường sử dụng sản phẩm nhưng lại rủi ro “dễ gãy” vì các “ông lớn” sẽ nhảy vào; đi trễ quá thì không còn cơ hội. “Phải cố gắng tìm ra thời điểm ra đời đúng cách mạng…Startup bước đầu nên ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu, giữ vững trận địa. Đi từ từ đến lúc nào thị trường bùng nổ thì scale (mở rộng) dần lên”.
Chỉ còn Shark Louis và Shark Liên chưa đưa ra quyết định. Lúc này Shark Louis lên tiếng, cho biết những quỹ đầu tư sẽ không vào những công ty như thế này. Tuy nhiên, “cá nhân tôi lại thích hướng đi của bạn, sản phẩm của bạn, đạo đức của bạn. Những gì bạn đang làm tốt cho môi trường và xã hội. Vì thị trường đã có nhiều sản phẩm gây ô nhiễm” – Shark Louis nói. Vì thế, Shark Louis đồng ý đầu tư 4 tỷ nhưng đổi lấy 49% cổ phần, kèm theo đó startup phải có giấy chứng nhận an toàn của nhà nước.
Shark Liên cũng đồng ý đi cùng Shark Louis để hỗ trợ, tư vấn cho startup vì Shark Liên từng có kinh nghiệm tư vấn cho các bạn trẻ người Việt bên Đức mở một chuỗi nhà hàng, kinh doanh tốt ngay giữa mùa dịch Covid-19.
Lúc này, đại diện startup đưa ra một đề nghị khác: 4 tỷ cho 40%.
Tuy nhiên, Shark Louis không chấp nhận vì cho rằng, hai Shark đang phải chịu rủi ro rất cao, có thể mất hết số tiền đầu tư này để đi chung với startup. “Tại sao lại là 49% mà không phải 51% hay 65%? Lý do là khi đầu tư, tôi muốn cổ đông sáng lập vẫn được điều hành, họ phải có phần trăm xứng đáng và động lực đủ nhiều” – Shark Louis giải thích.
Sau khi suy nghĩ và phân tích cùng nhau, hai đại diện của VMEAT đồng ý với hai Shark là 4 tỷ cho 49% cổ phần. Sau chương trình, cả hai cũng chia sẻ mình rất vui vì tìm được người đồng hành giúp công ty phát triển. “Chúng tôi hi vọng với sự đồng hành của Shark Louis và Shark Liên thì công ty sẽ phát triển lớn mạnh hơn. Các Shark hãy tin rằng sản phẩm này trong tương lai sẽ bùng nổ” – đại diện startup nói.
Nguồn:https://theleader.vn/startup-thit-thuc-vat-vmeat-duoc-cac-shark-san-don-1623639403534.htm